* Cô giáo yêu con trẻ mang tấm lòng người mẹ
Nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đó
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, huyện biên giới Mường Nhé là một trong những khu vực bị thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua. Nhiều điểm trường đang ngập trong bùn đất.
Ông Phạm Thiết Chùy - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé, cho hay: Trên địa bàn huyện có nhiều điểm trường bị ngập lụt, sạt lở đất đá gây hư hại, nhất là phòng học, bàn ghế, đồ dùng dạy, học cùng phòng ở giáo viên. Hiện tại, thiệt hại nặng nề nhất là điểm trường Xà Quế (Trường Mầm non xã Chung Chải), điểm trường Nậm Ban (Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Pố) và Trường PTDTBT THCS Quảng Lâm.
Sau mưa lũ, khắp điểm Trường Mầm non xã Chung Chải dày bùn đất. Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Oanh, trời liên tục mưa khiến công tác dọn dẹp trở nên khó khăn, vất vả. Song, các thầy cô và lực lượng hỗ trợ đang cố gắng khẩn trương dọn dẹp, để học sinh nhà trường có thể đón năm học mới đúng kế hoạch.
Tại Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Pố, huyện Mường Nhé, mưa lớn kéo dài khiến khu đồi gần dãy nhà lớp học của điểm trường Nậm Ban bị sạt lở nghiêm trọng. Chia sẻ thông tin, thầy Hiệu trưởng Vũ Văn Nguyện bày tỏ lo lắng: “Khu vực sạt lở chỉ cách nhà lớp học khoảng 3 mét, với thời tiết mưa kéo dài như hiện nay tôi lo sẽ gây sụt lún các lớp học”.
Lũ chồng lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành Giáo dục tỉnh Sơn La. Theo ông Nguyễn Công Viên - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sông Mã, qua rà soát, điểm trường Nà Mện, Trường PTDT Tiểu học Nậm Ty bị hỏng hoàn toàn 120m chân tường bao. Nước lũ tràn về khiến toàn bộ lớp học ở tầng 1 bị bùn tràn vào, khuôn viên trường bị đất đá vùi lấp...
“Đường sá từ điểm trường trung tâm tới điểm trường Nà Mện do mưa lũ kéo dài nên đi lại khó khăn, phải đi bộ hơn 3km và qua cầu tre tạm do dân làm khiến việc tập trung của giáo viên tới trường cực kỳ gian nan, vất vả. Ngoài ra, việc ăn ở của giáo viên cũng gặp khó khi hầu hết khu nội trú ở các trường bị hư hỏng nặng hoặc bị lũ cuốn trôi”, cô Nguyễn Thị Hà - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Ty chia sẻ.
Ngay sau trận mưa lũ, Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Ty huy động 2 máy xúc và nhờ sự giúp đỡ của cấp ủy chính quyền các địa phương, phụ huynh cùng với toàn bộ giáo viên tập trung đông đủ tại trường dọn dẹp bùn đất.
“Chúng tôi tập trung khắc phục các khu vực bị hư hỏng với phương châm nước rút đến đâu tổ chức dọn dẹp đến đó. Hiện tại, do tình hình mưa lũ trên địa bàn còn phức tạp nên nhà trường chưa thể xác định rõ thời gian khắc phục xong hậu quả. Chúng tôi sẽ nỗ lực để có thể đón học sinh tựu trường an toàn trước dịp khai giảng”, cô Hà chia sẻ.
Dọc dài trên mảnh đất hình chữ S này, hàng ngày vẫn có hàng nghìn thầy cô giáo bám trường, bám bán để đưa cái chữ đến với học sinh. Và khi tình nguyện đến các bản vùng cao gieo chữ, mỗi thầy cô giáo đều mang theo một trái tim hy sinh thầm lặng để cho con chữ được nảy mầm, sinh sôi trên vùng đất khó.
Cách trung tâm huyện gần 60km, điểm trường Phìn Tỷ là một trong những điểm xa và khó khăn nhất của xã Lũng Hồ. Con đường tới điểm trường trơn trượt trong ngày mưa, trơ lên như dòng suối cạn trong ngày nắng nên cả 6 thầy cô giáo lấy điểm trường làm nhà để cho giấc mơ con chữ, của học trò được trọn vẹn. Gần 20 năm gắn bó với điểm trường Phìn Tủng, thầy giáo Long Minh Tuấn đã thuộc từng tên, nhớ từng nhà và nói tiếng dân tộc cùng hơn 100 hộ trong thôn. Và với người dân nơi đây, các thày cô giáo như thày Tuấn đã trở thành người thân với mỗi gia đình.
Tạm biệt điểm trường Phìn Tủng, nhóm phóng viên có mặt tại điểm trường Cờ Tẩu nơi nuôi dạy gần 70 học sinh từ mầm non đến lớp 3 của xã Đường Thượng. Chiếc mũ bảo hiểm, bộ quần áo mưa vẫn còn, nhưng cô giáo Mai Thị Yến đã mãi mãi ra đi trong một lần trở lại điểm trường khi mà cả người và xe bị rơi xuống vực. Không để sự học bị dừng lại, nhà trường và chính quyền địa phương đã nhanh chóng phân công giáo viên xuống bản và viết tiếp bài giảng còn dang dở của người đồng nghiệp đã quá cố.
Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và của chính quyền địa phương chăm lo cho sự nghiệp trồng người, trong những năm hệ thống trường lớp học của huyện Yên Minh ngày càng phát triển. Các điểm trường giảm xuống, hệ thống nhà bán trú tăng lên đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giáo dục. Tuy nhiên do địa hình chia cắt, toàn huyện Yên Minh vẫn còn 143 điểm trường với 62 lớp ghép. Trong điều kiện đó mỗi ngày vẫn có hàng trăm thầy cô giáo bám trường, bám lớp để gieo chữ.
Trong bức thư gửi chia buồn và thăm hỏi gia đình cô giáo Mai Thị Yến, Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã cảm động và ghi nhận trước những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ các thầy giáo, cô giáo đang cắm bản, công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hai đảo đã không quản nguy hiểm, khó khăn, thiếu thốn trăm bề để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Đó là những thầy cô giáo phải sống xa gia đình, tạm gác lại hạnh phúc riêng tư, ngày nối ngày, kiên trì, thầm lặng bám thôn, trụ lại điểm trường để gieo giấc mơ con chữ cho học trò vùng cao.